Chỉ số AMH là gì? Khi nào cần xét nghiệm chỉ số AMH?

Chỉ số AMH là gì? và khi nào cần xét nghiệm chỉ số AMH? Chỉ số AMH thể hiện tỷ lệ dự trữ buồng trứng ở nữ giới, dựa vào đó bác sĩ có thể dự đoán khả năng mang thai, chẩn đoán một số bệnh lý ở buồng trứng. Vậy các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số AMH là gì? Hãy cùng Eveline tìm hiểu về chỉ số AMH qua bài viết dưới đây nhé!

Chỉ số AMH là gì?

AMH viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Anti – Mullerian Hormone) là một hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng. Chỉ số AMH cho biết số lượng trứng non hiện có ở hai bên buồng trứng hay còn gọi là dự trữ buồng trứng. Dựa vào chỉ số AMH có thể đánh giá được khả năng sinh sản của phụ nữ ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Nữ giới khỏe mạnh dưới 38 tuổi, chỉ số AMH bình thường nằm trong khoảng 2,2 – 6,8 ng/ml (14,28 – 48,55 pmol/L).

1. AMH tiên lượng khả năng sinh sản

Bác sĩ có thể dựa vào chỉ số AMH để tiên lượng khả năng có thai, tư vấn thời điểm tốt nhất để mang thai tự nhiên cũng như có biện pháp can thiệp điều trị hỗ trợ sinh sản cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Chỉ số AMH quá thấp hoặc quá cao so với chỉ số AMH chuẩn cho thấy khả năng thụ thai gặp ít nhiều khó khăn.

2. Nồng độ AMH được xem là dấu hiệu của sự lão hóa buồng trứng

Theo thời gian, số lượng và chất lượng trứng non ở hai bên buồng trứng giảm dần gây ra hiện tượng lão hóa buồng trứng. Chỉ số AMH cho biết số noãn còn lại của buồng trứng để đánh giá mức độ lão hoá. Chỉ số AMH cũng có thể tiên đoán độ tuổi mãn kinh ở phụ nữ. Thông thường, độ tuổi mãn kinh ở chị em khoảng 45-50 tuổi, chỉ số AMH giảm dần và mất hẳn. Nếu xét nghiệm chỉ số AMH <0.2 ng/ml ở độ tuổi 35-39 tiên lượng mãn kinh sau 10 năm, còn ở lứa tuổi 45-48 tiên lượng mãn kinh sau 6 năm.

3. Nồng độ AMH giúp đánh giá tình trạng tổn thương ở buồng trứng

Chỉ số AMH là số liệu đáng tin cậy giúp bác sĩ tiên lượng tình hình sức khỏe sinh sản của bệnh nhân sau phẫu thuật buồng trứng, đồng thời phát hiện sớm những tổn thương ở mô buồng trứng.

4. AMH liên quan mật thiết đến thụ tinh trong ống nghiệm IVF

Xét nghiệm chỉ số AMH là xét nghiệm đáng tin cậy để dự đoán đáp ứng kích thích buồng trứng, được khuyến cáo thực hiện cho tất cả bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Chỉ số AMH có liên quan trực tiếp đến kết quả của phương pháp IVF.

AMH có thể đánh giá khả năng sinh sản

Chỉ số AMH giúp đánh giá khả năng sinh sản ở nữ giới 

Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số AMH

Chỉ số AMH không thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới nhưng lại bị ảnh hưởng bởi một vài yếu tố sau:

  • Độ tuổi: Tuổi càng cao thì dự trữ buồng trứng càng thấp. Chỉ số AMH ở phụ nữ cao nhất trong độ tuổi 25-30 và giảm dần theo thời gian. AMH giảm rất nhanh sau tuổi 38 và giảm dần về 0 sau tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, người trẻ tuổi chỉ số AMH giảm là dấu hiệu cảnh báo suy buồng trứng sớm. 
  • Tình trạng sức khỏe: Chị em mắc chứng suy buồng trứng chỉ số AMH thấp, buồng trứng đa nang thì chỉ số AMH cao…
  • Tiền sử sử dụng thuốc tránh thai: Phụ nữ thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai có thể làm giảm số lượng nang noãn hiện có ở buồng trứng, khiến chỉ số AMH giảm.
  • Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia: Lối sống không lành mạnh, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích ảnh hưởng tới chỉ số AMH.
Chỉ số AMH bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số AMH

Xét nghiệm AMH khi nào?

Xét nghiệm chỉ số AMH có ý nghĩa lớn trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý của buồng trứng, đặc biệt là những cặp vợ chồng hiếm muộn đang có kế hoạch thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ chuyên khoa khuyên những chị em trong các trường hợp sau nên làm xét nghiệm chỉ số AMH:

  • Vô sinh hiếm muộn
  • Suy buồng trứng
  • Buồng trứng đa nang
  • Rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh, vô kinh
  • Ung thư buồng trứng
  • Theo dõi hiệu quả quá trình điều trị hiếm muộn
  • Tiên lượng mãn kinh.

1. Ưu điểm của xét nghiệm AMH với FSH 

Xét nghiệm chỉ số AMH có nhiều ưu điểm vượt trội so với FSH trong việc đánh giá khả năng sinh sản của phụ nữ:

  • Chỉ số AMH nhạy hơn và chính xác hơn so với chỉ số FSH trong việc đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng của phụ nữ. 
  • Chỉ số AMH không dao động và không phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt. Còn chỉ số FSH thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt nên khó có thể đánh giá chính xác khi chu kỳ kinh nguyệt thay đổi. 
  • Xét nghiệm AMH có thể thực hiện bất cứ ngày nào trong chu kỳ kinh còn xét nghiệm FSH phải thực hiện vào thời điểm nhất định ở đầu chu kỳ. 
  • AMH không bị ảnh hưởng bởi nồng độ Estradiol. Chỉ số FSH có thể bị ức chế khi nồng độ Estradiol tăng cao.
Thời điểm nào cần xét nghiệm AMH
Nên xét nghiệm AMH khi nào?

2. Xét nghiệm AMH ở đâu?

Hiện nay, rất nhiều chị em có nhu cầu xét nghiệm chỉ số AMH nhưng lại không biết địa chỉ nào chính xác và uy tín. 

Eveline mách chị em một số địa chỉ xét nghiệm chỉ số AMH chất lượng hàng đầu:

  • Bệnh viện Phụ sản TW là bệnh viện đầu ngành về Phụ sản và Sơ sinh ở Việt Nam. Bệnh viện có đội ngũ giáo sư, bác sĩ chuyên môn cao cùng hệ thống xét nghiệm hiện đại nhất trên thế giới. Chị em muốn thực hiện xét nghiệm chỉ số AMH có thể đến địa chỉ 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc liên hệ SĐT: (024) 38252161 để được tư vấn.
  • Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện đầu ngành về Sản Phụ khoa, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Bệnh viện là trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Chị em khu vực phía Nam có thể đến địa chỉ 284 Cống Quỳnh, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện xét nghiệm chỉ số AMH.
Eveline 1
Ưu điểm của xét nghiệm AMH và đơn vị xét nghiệm uy tín

Qua bài viết trên Eveline Care đã phân tích cho các bạn hiểu rõ về vai trò và tầm quan trọng của chỉ số AMH là gì trong việc đánh giá khả năng sinh sản và cảnh báo một số bệnh nguy hiểm ở buồng trứng. Chị em khó thụ thai hay rối loạn kinh nguyệt nên đi khám và làm xét nghiệm chỉ số AMH để đánh giá khả năng sinh sản cũng như sớm phát hiện các bệnh lý có thể gặp phải để kịp thời điều trị!

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments